Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam sẽ trở thành mô hình kiểu mẫu, hiện đại và hiệu quả góp phần lan tỏa và thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nông nghiệp tỉnh Hà Nam và các tỉnh ĐBSH, từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam
Thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, như: Dabaco, TH, Ba Huân. Đến nay, cả nước có 12 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được các địa phương công nhận; có 51 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Các tiến bộ về khoa học – công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản giảm đáng kể, trong đó tổn thất của lúa gạo đã giảm xuống dưới 10% (Song Hà, 2022).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai các chiến lược phát triển ngành hàng theo hướng tích hợp đa giá trị, tăng hàm lượng khoa học-công nghệ trong nông nghiệp. Mặt khác, nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học – công nghệ, tập trung vào sản phẩm chủ lực xuất khẩu, sản xuất giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phát triển thị trường khoa học – công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; triển khai thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao giai đoạn 2021-2030 thúc đẩy phát triển các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và mở rộng xuất khẩu. Có thể kể tới một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương như sau:
– Thành phố Hà Nội đang từng bước xây dựng ngành Nông nghiệp hiện đại, bền vững, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh. Cùng với đó, Thành phố cũng chủ trương xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao điển hình của cả nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã triển khai khoảng 160 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Trong lĩnh vực trồng trọt, có gần 130ha trồng rau ứng dụng nhà lưới, gần 50ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Hà Nội hiện có trên 1.000ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao.
Nhìn chung, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội mặc dù quy mô nhỏ nhưng cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống 10-12%, giá trị kinh tế gia tăng 25-30%. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ tạo ra nguồn hàng hóa bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm mà còn tạo điều kiện cho các ngành chức năng trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Thực tế trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã của Thành phố đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đạt hiệu quả kinh tế tốt. Theo ông Lê Văn Tám – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sông Hồng, huyện Đông Anh, với diện tích 1.500m², hợp tác xã phát triển 6 mô hình nhà phủ màng công nghệ cao của Israel, chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch theo hướng hữu cơ, chủ động nguồn cung nguyên liệu từ rau, củ, quả để tạo ra loại ống hút thân thiện với môi trường, cung cấp cho các cửa hàng kinh doanh đồ uống, quán cà phê và một số siêu thị của Hàn Quốc, Đức, doanh thu đạt 2-3 tỷ đồng/năm.
– Tại tỉnh Ninh Thuận, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đem lại giá trị sản xuất đạt hơn 300 triệu đồng/ha/năm trên cùng một thửa đất, cao gấp ba lần so với phương thức sản xuất lạc hậu trước đây. Đặc biệt, việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả như ngô, lúa sang mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng doanh thu đã đạt từ 2-3 tỷ đồng/vụ. Và trồng giống nho mới NH01-152 áp dụng công nghệ cao của nông dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, doanh thu đạt từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/ha/năm.
Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai hơn 30 cánh đồng lớn sản xuất lúa, ngô, măng tây xanh, nho, với tổng diện tích hơn 3.642ha; chuyển đổi sản xuất hiệu quả hơn 1.500ha cây trồng cạn thay cho cây lúa kém hiệu quả trước đây; lựa chọn, xác định được 12 sản phẩm đặc thù và 62 sản phẩm OCOP có lợi thế cạnh tranh để tập trung đầu tư phát triển.
– Ngày 29/1/2021, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nuôi tôm công nghệ cao. Mục tiêu đến năm 2025, Bến Tre sẽ phát triển 4.000ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao, năm 2030 là 5.000ha. Qua năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết tại 3 huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, tổng diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt 50% với khoảng 2.000ha, năng suất bình quân 12 tấn/ha/vụ, cao gấp 4 lần so với nuôi thâm canh trước đây, lợi nhuận trung bình từ 700 đến 800 triệu đồng/ha/vụ nuôi.
Để xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao hiện đại, bền vững, theo tác giả, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong nước và quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về tín dụng, xúc tiến thương mại để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt, để chuẩn bị và tích cực tham gia vào quá trình triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp, không thể không đề cập đến IoT – một thành tố đóng vai trò chủ chốt. Mặc dù IoT còn tương đối mới, nhưng đã thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực phát triển xã hội (hành chính, thương mại, tiếp thị, công nghiệp, sản xuất,…) và chắc chắn là cả nông nghiệp công nghệ cao. Nhật Bản đã có sự chuẩn bị cho công tác đào tạo nguồn nhân lực có năng lực quy hoạch, triển khai, thực hiện những dự án IoT cho mọi lĩnh vực bằng cách tạo ra một chuỗi văn bằng và chứng chỉ xác nhận năng lực của những chuyên gia IoT như vậy.
Nếu muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chắc chắn Việt Nam cần phải chú trọng tới công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp công nghệ cao. Các dự án IoT trong nông nghiệp công nghệ cao là vô cùng cấp thiết và Việt Nam cần phải có quy hoạch, điều chỉnh kịp thời, nếu thực sự muốn theo kịp thế giới về nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riên, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-kinh-nghiem-o-mot-so-quoc-gia-va-bai-hoc-cho-viet-nam-106832.htm